"Ứng xử trong gia đình": Gỡ nút thắt bằng sự thấu hiểu
VHO- Trước thực trạng về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết và hủ tục lạc hậu vẫn đang tồn tại ảnh hưởng đến đời sống, gia đình và người phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua các tổ chức đoàn thể, chính quyền của tỉnh và các địa phương tập trung tuyên truyền, thành lập các câu lạc bộ góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống vùng khó khăn.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Prông tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng - chống bạo lực gia đình cho hội viên Ảnh: P.D
Những năm qua nạn bạo lực gia đình, tảo hôn... trên địa bàn huyện Chư Prông, Gia Lai diễn ra tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa nơi còn khó khăn về kinh tế, để người dân hiểu biết hơn về pháp luật, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Prông phối hợp các xã tổ chức tuyên truyền, vận động, đồng thời phát huy vai trò của các Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Phòng-chống bạo lực gia đình”.
Theo tổng hợp từ Hội LHPN huyện Chư Prông, xuất phát từ nhận thức có phần còn hạn chế, cùng với đó là cuộc sống còn khó khăn dễ dẫn đến các vu bạo hành, mâu thuẫn trong gia đình, tệ nạn xã hội vẫn diễn ra, trong đó có những vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề sức khỏe, tinh thần đến người bị bạo hành. Cụ thể như các sự việc trong gia đình: Bố đánh đập con; chồng đánh vợ vỡ lá lách, thủng dạ dày... 10 năm qua trên địa bàn huyện Chư Prông có gần 50 vụ việc xảy ra liên quan đến những vấn đề trên.
Bà Siu H’Thoan - Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông cho rằng: “Từ thực tế về nhận thức hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, bất bình đẳng giới xảy ra trong gia đình, nạn tảo hôn, các tệ nạn xã hội khác như trộm cắp, đánh nhau... là những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trong gia đình và các hệ lụy khác”. Cụ thể một vụ việc mới xảy ra trên địa bàn giữa đôi vợ chồng trẻ, chỉ vì thích mạng xã hội mà cuộc sống gia đình dẫn đến ngõ cụt. Sự việc bắt nguồn từ việc người chồng “nghiện” mạng xã hội, cứ về đến nhà thì anh này chỉ dán mắt vào điện thoại mà không đoái hoài gì đến gia đình. Lâu ngày cùng với nghi ngờ “mù quáng” người vợ thốt lên những lời không hay, đôi bên lời qua tiếng lại, trong lúc nóng giận, người chồng vung tay đánh vợ rồi cả 2 viết đơn ly hôn. Bà Lê Thị Mai Trúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Phòng - chống bạo lực gia đình” xã Ia Pia, huyện Chư Prông cho biết: Khi nhận được thông tin về sự việc ly hôn giữa đôi vợ chồng trẻ, Ban Chủ nhiệm CLB đã tìm đến tận nhà, gặp gỡ để lắng nghe và tìm ra cách tháo gỡ nút thắt bất hòa giữa họ, đôi bên cùng nhận ra việc làm sai của mình và cùng hành động để xây dựng gia đình thuận hòa. Việc hòa giải thành công, ít lâu sau khi gặp cả gia đình cùng nhau đi chơi, đi làm gặp nhau họ luôn nở nụ cười như tỏ lời cảm ơn.
Còn nhiều sự việc tương tự về các cặp gia đình trẻ, hay những thanh thiếu niên có chút bốc đồng trong cuộc sống dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có, khi sự việc được báo đến chính quyền địa phương thì các thành viên trong CLB về phòng, chống bạo lực gia đình lại bỏ việc nhà để đến tận nơi gặp gỡ, trao đổi, phổ biến các quy định của Luật pháp đã ban hành về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới... để người dân thêm hiểu và có thái độ hoà nhã hơn trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chăm lo gia đình.
Để nâng cao chất lượng về công tác tuyên truyền từ các CLB, đội, nhóm hội thường xuyên cập nhật về các quy định mới trong Luật quy định, thời gian qua Hội LHPN huyện Chư Prông đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, qua đó chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó tập trung phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng - chống bạo lực gia đình... qua đó giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về pháp luật, nắm rõ các hành vi bạo lực gia đình và không im lặng, không cam chịu khi bị bạo hành mà mạnh dạn tìm đến các cơ quan pháp luật để được bảo vệ.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện cũng phát huy vai trò của các tổ hòa giải cơ sở, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thành lập và duy trì các CLB, hiện nay toàn huyện đã xây dựng và duy trì có hiệu quả 1 CLB “Phòng - chống tội phạm” tại xã Ia Me, 1 CLB “Phòng - chống bạo lực gia đình” tại xã Ia Pia, 8 CLB “Phụ nữ với pháp luật” và 62 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Đồng thời, Hội cũng phối hợp với Phòng Tư pháp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hội viên, phụ nữ... từ việc làm thiết thực trên mà tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể suốt từ đầu 2019 đến nay.
Bà Siu H’Thoan - Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông vui mừng nói: Thời gian tới, Hội sẽ nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền sát thực tế, đúng đối tượng và vận động để các đối tượng bị bạo hành mạnh dạn tố giác, không mặc cảm, không im lặng và che giấu.
NGUYỄN GIÁC
Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) thực hiện